Không ít cặp vợ chồng có tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân. Và cũng có không ít thắc mắc liên quan đến loại tài sản này như: tài sản riêng thành tài sản chung khi nào, bán có cần bên còn lại đồng ý không?
1. Tài sản riêng của vợ, chồng
Căn cứ theo điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của vợ chồng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Thứ hai, tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Theo đó, tài sản riêng bao gồm các khoản sau:
- Tài sản có trước khi kết hôn
- Tài sản được thừa kế riêng hay tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân: Tài sản phải được chỉ đích danh là tặng cho riêng, thừa kế riêng cho vợ hoặc chồng.
- Tài sản phục vụ cho nhu cầu thiết yếu vợ, chồng
Tài sản khác theo quy định của pháp luật: cụ thể theo Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ghi nhận như sau:
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
2. Tài sản chung của vợ, chồng gồm những tài sản nào?
Tài sản chung của vợ chồng được hiểu là gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhâp hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Căn cứ theo quy định tại điều 33 Luật hôn nhân và gia đình về tài sản chung của vợ chồng:
Thứ nhất, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chộng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Thứ hai, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Thứ ba, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
3. Tài sản chung nào của vợ chồng phải đăng ký?
Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
Thực tiễn cho thấy chỉ có tài sản rất lớn, rất quan trọng đối với đời sống gia đình thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu mới ghi tên của cả vợ chồng (như: nhà ở, quyền sử dụng đất...), song cũng không phải trong mọi trường hợp. Đối với các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận thường chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng (như: xe moto, xe oto, tàu, thuyền vận tải,...)
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng.
Nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng quy định tại khoản 1 Điều 32 (ví dụ: được thừa kế riêng một khoản tiền và dùng khoản tiền này mua cho bản thân một chiếc xe moto mà không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng).
Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.
4. Bán tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình nêu trên, đã quy định rõ về các loại tài sản riêng.
Đó là các tài sản mà vợ, chồng có trước khi đăng ký kết hôn hoặc là tài sản mỗi người được thừa kế, cho tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân, các tài sản riêng theo quy định khác...
Tài sản riêng còn là các tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng; tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng,..
Điều 46 của Luật này cũng đã quy định rõ, việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào khối tài sản chung sẽ được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
Bên cạnh đó, nếu tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng khi đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo quy định trên, việc nhập hay không nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung đó là quyền của mỗi người chứ không phải là bắt buộc.
Về việc sử dụng tài sản riêng, Điều 44 Luật Hôn nhân gia đình đã nêu như sau:
Với tài sản riêng của mình, vợ/ chồng có quyền sử dụng, chiếm hữu cũng như định đoạt. Vợ/ chồng có quyền nhập tài sản riêng ấy vào tài sản chung hoặc là không.
Nếu vợ/ chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì người còn lại có quyền quản lý tài sản đó. Và tất nhiên việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
Ngoài ra, nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
Trường hợp hoa lợi, lợi tức có được từ tài sản riêng của vợ, chồng mà đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tai sản này phải có sự đồng ý của người còn lại.
Theo quy định trên, trong trường hợp vợ bạn cho thuê nhà mà tiền thu được từ việc cho thuê nhà là nguồn sống duy nhất của vợ chồng bạn thì việc bán căn hộ đó phải được sự đồng ý của người chồng.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ qua hotline 0913 947 089 hoặc gửi qua Email: daoquochung1978@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.