Tài sản riêng của vợ chồng là gì? Công chứng văn bản cam kết tài sản riêng vợ chồng cần lưu ý những gì? và một số vấn đề pháp lý khác liên quan đến việc phân định tài sản riêng của vợ chồng sẽ được tư vấn, giải đáp cụ thể:
1. Tài sản riêng của vợ chồng là gì?
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 Luật Hôn nhân và gia đinh 2014; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cúng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Đièu 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
2. Thoả thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận thì thoả thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn.
Nội dung cơ bản của thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng:
+ Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
+ Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
+ Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
+ Nội dung khác có liên quan.
Khi thực hiện chế độ tài sản theo thoả thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thoả thuận hoặc thoả thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 Luật Hôn nhân và gia đinh 2014.
Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thoả thuận về chế độ tài sản. Hình thức sửa đổi, bổ sung nội dung của thoả thuận về chế độ tài sản theo thoả thuận được áp dụng theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
3. Công chứng văn bản thoả thuận về chế độ tài sản
3.1. Công chứng là gì?
Công chứng là việc công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
3.2. Hồ sơ cần khi công chứng văn bản thoả thuận về chế độ tài sản
Một bộ hồ sơ (bao gồm bản chính + bản sao), gồm các văn bản, giấy tờ theo hướng dẫn dưới đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng - tuỳ theo từng mẫu của mỗi Văn phòng công chứng.
- Giấy tờ tuỳ thân: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Giấy Chứng minh sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam/Hộ chiếu của các bên tham gia giao dịch.
- Giấy tờ xác nhận về tình trạng hôn nhân (chưa đăng ký kết hôn từ trước đến này/chưa đăng ký kết hôn từ khi ly hôn/chưa đăng ký kết hôn từ khi vợ-chồng chết đến nay...)
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp Văn bản thoả thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng có ghi nhận cụ thể về tài sản đó.
- Giấy tờ khác có liên quan mà pháp luật quy định phải có, như:
+ Giấy tờ chứng minh tư cách chủ thể tham gia giao dịch:
- Cá nhân là người Việt Nam cư trú trong nước: Hộ khẩu;
- Cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài: có các giấy tờ chứng minh theo quy định của pháp luật về quốc tịch như: Giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam; Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, đăng ký công dân, các giấy tờ chứng minh được phép nhập cảnh vào Việt Nam...;
- Cá nhân nước ngoài: có giấy tờ theo quy định pháp luật, thể hiện việc phép nhập cảnh vào Việt Nam.
+ Giấy tờ chứng minh về năng lực hành vi của bên tham gia giao kết hợp đồng: giấy khám sức khoẻ/tâm thần...(trường hợp có nghi ngờ về nằn lực hành vi dân sự của các bên tham gia giao kết hợp đồng)
+ Chứng minh nhân dân của người làm chứng/người phiên dịch (trong trường hợp cần phải có người làm chứng/người phiên dịch).
+ Giấy tờ khác có liên quan đến văn bản yêu cầu chứng nhận mà pháp luật quy định phải có.
+ Đối với trường hợp văn bản được người yêu cầu công chứng soạn thảo sẵn: ngoài thành phần nêu trên thì kèm theo Dự thảo văn bản.
3.3. Thủ tục công chứng văn bản thoả thuận chế độ tài sản của vợ chồng
Bước 1: Nộp hồ sơ tại tổ chức hành nghề công chứng
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ yêu cầu công chứng và thụ lý hồ sơ, ghi vào sổ công chứng
Bước 3: Hướng dẫn quy định của thủ tục công chứng, quyền và nghĩa vụ các bên và hậu quả pháp lý.
Bước 4: Làm rõ các vấn đề chưa rõ hay chưa phù hợp và kiểm tra dự thảo văn bản thảo thuận có phù hợp với quy định pháp luật và đạo đức xã hội hay không.
Bước 5: Trả kết quả công chứng.
3.4. Phí công chứng thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
Tổ chức, cá nhân khi yêu cầu công chứng thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải nộp phí công chứng.
Căn cứ Khoản 3 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định về Mức phí đối với việc công chứng hợp đồng, giao dịch không theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch, theo đó phí công chứng thoả thuận chế độ tài sản của vợ chồng là 40.000 đồng. Ngoài chi phí công chứng, vợ chồng có thể phải trả thêm các chi phí liên quan đến phí soạn thảo văn bản. Chi phí này cũng có thể phụ thuộc vào giá trị tài sản cần công chứng.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ qua hotline 0913 947 089 hoặc gửi qua Email: daoquochung1978@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.