Khởi kiện đòi lại tài sản mà người quản lý tài sản thừa kế đã chết thì tòa án xử lý thế nào ?
CÂU HỎI: Khi có khởi kiện đòi lại tài sản mà người quản lý tài sản đã chết, không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án haỵ đưa người thuộc hàng thừa kế thứ hai vào tham gia tố tụng, kế thừa quyền, nghĩa vụ của người chết để tiếp tục giải quyết vụ án ?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 74 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng:
“Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng”.
Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án người quản lý tài sản chết thì trước hết phải xác định quyền, nghĩa vụ về tài sản của người đó có được thừa kế hay không để tiếp tục giải quyết vụ án (đưa người thừa kế tham gia tố tụng) hay đình chỉ giải quyết vụ án.
- Quyền, nghĩa vụ của người quản lý tài sản không được thừa kế (quản lý tài sản theo ủy quyền) thì không có việc thừa kế quyền, nghĩa vụ tài sản (khoản 3 Điều 140 Bộ luật dân sự năm 2015) nên không có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng. Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm a khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Quyền, nghĩa vụ của người quản lý tài sản được thừa kế (quản lý tài sản của người đã ra nước ngoài, quản lý tài sản chung...) thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án và đưa người thừa kế tham gia tố tụng với tư cách người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng (nếu chưa xác định được người thừa kế thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án).
Trong trường hợp này, nếu quyền, nghĩa vụ của người quản lý tài sản được thừa kế thì người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là “người thừa kể’ chứ không phải chỉ là hàng thừa kế thứ nhất. Bởi vì, người thừa kế còn có thể là người được thừa kế theo di chúc. Thực tiễn xét xử cho thấy, để đảm bảo vụ án được xét xử toàn diện, triệt để thì trong trường hợp này đưa tất cả những người có thể hưởng thừa kế vào tham gia tố tụng bao gồm người thừa kế theo di chúc và người thừa kế theo pháp luật.
Lưu ý: Phân biệt kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng với thừa kế tài sản:
- Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là việc quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự được chủ thể kế thừa tiếp nối và thực hiện, người kế thừa tố tụng đó không nhân danh chính mình mà nhân danh đương sự đã chết (cá nhân) hoặc đương sự đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể (cơ quan, tổ chức).
- Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được thực hiện theo pháp luật và theo di chúc.
Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt (di chúc) của người đó khi còn sống.
Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ qua hotline 0913 947 089 hoặc gửi qua Email: daoquochung1978@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.