Quy định về tiền gửi, rút tiền trước thời hạn và rút tiền thừa kế?

https://luatsubds.net

Quy định về tiền gửi, rút tiền trước thời hạn và rút tiền thừa kế?

Quy định về tiền gửi, rút tiền trước thời hạn và rút tiền thừa kế?

CÂU HỎI: Chào Luật sư, hiện nay em đang làm đề tài nghiên cứu về tiền gửi, trong đó có vấn đề pháp luật về rút tiền trước thời hạn và rút tiền gửi trong trường hợp thừa kế. Do có nhiều quy phạm pháp luật liên quan nên em rất khó hệ thống ? Mong luật sư có thể giải đáp giúp em vấn đề này và các cơ sở pháp lý rõ ràng ạ. Rất mong được giải đáp. Em cảm ơn ạ!

 

Luật sư tư vấn:

1. Tiền gửi là gì?

Khoản 13 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng bao gồm các hình thức tiền gửi của tổ chức (trừ của tổ chức tín dụng), cá nhân dưối hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu - trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

Trong thực tế khi gửi tiền tại ngân hàng không phải ai cũng chắc chắn được sẽ không phát sinh tình huống cần phải rút tiền trước thời hạn vì mục đích kinh doanh hay đầu tư khác. Do vậy, nhằm linh hoạt trong hoạt động nhận tiền gửi, bên cạnh quy định về thời hạn gửi thì pháp luật ngân hàng cũng có quy định về việc rút tiền trước thời hạn.

2. Pháp luật về rút tiền trước hạn

Tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng cũng chính là tiền ngân hàng đi vay, trong đó khách hàng là bên cho vay, ngân hàng là bên đi vay. Hợp đồng vay gồm có vay không kỳ hạn và có kỳ hạn, vay không có lãi và có lãi.

Khoản 3 Điều 3 về “Thu nhập chịu thuế”, khoản 7 Điều 4 về “Thu nhập được miễn thuế”, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Điều 16 về “Rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn”, “Quy chế về tiền gửi tiết kiệm” Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN (sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25/9/2006; các thông tư số 04/2011/TT- NHNN ngày 10/3/2011, số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017)

Căn cứ pháp lý trên cho thấy từ năm 2011 đến tháng 6/2019, pháp luật ngân hàng đã từng quy định rất chặt chẽ, theo hướng hạn chế tối đa việc rút tiền trước hạn như sau:

Thứ nhất, người gửi tiền ngoài việc phải có thỏa thuận với tổ chức nhận tiền gửi thì còn phải thông báo trước yêu cầu rút tiền trước hạn theo quy định của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm;

Thứ hai, người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ được rút gốc tiền gửi tiết kiệm trước hạn đối với các khoản tiền đã có thời gian gửi từ một năm trở lên;

Thứ ba, nếu không đáp ứng đủ hai điều kiện trên mà tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm vẫn cho phép rút tiền trước hạn thì có thể phải trả phí đối với khoản tiền gửi rút trước thời hạn;

Thứ tư, lãi suất rút tiền gửi trước hạn tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo từng đồng tiền tại thời điểm rút tiền (Điều 16 về “Rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn”, “Quy chế về tiền gửi tiết kiệm”, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004)

Trường hợp nói trên, ngân hàng nhận tiền gửi sẽ toàn quyền quyết định hai vấn đề: Một là, thời hạn mà người gửi tiền phải báo trước và hai là, mức lãi suất mà ngân hàng sẽ trả cho người gửi tiền. Mức lãi suất trong trường hợp rút tiền gửi trước hạn thường là thấp hơn mức lãi suất rút tiền đúng hạn.

Trường hợp người rút tiền trước hạn không có thỏa thuận trước với ngân hàng hoặc không thông báo trước đủ thời hạn theo quy định của ngân hàng, thì có thể phải trả thêm cho ngân hàng một mức phí nhất định đối với khoản tiền gửi tiết kiệm rút trước thời hạn và có thể dẫn đến tình trạng không được hưởng lãi, thậm chí là lãi âm. Trường hợp này đối chiếu với các quy định chung về hợp đồng vay tài sản thì không thể xác định được tính chất của khoản phí này là tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng gửi tiền về thời hạn gửi hay là khoản tiền gì.

Người gửi tiền rút trước hạn nếu đã đáp ứng được cả hai điều kiện nói trên, thì cũng chỉ được hưởng mức lãi suất “tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất” của ngân hàng (tức là, gửi 12 tháng, nếu rút tiền vào tháng thứ 11, thì cũng chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn).

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc rút tiền và trả lãi đối với các trường hợp này như sau (Khoản 3 Điều 465 về “Nghĩa vụ của bên cho vay”; Điều 469 về “Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn”; Điều 470 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn”, Bộ luật Dân sự năm 2015.)

Thứ nhất, bên cho vay không được yêu cầu bên vay trả lại tiền gửi trước thời hạn (chỉ đặt ra đối với loại tiền gửi có kỳ hạn, mà không đặt ra đối với loại tiền gửi không kỳ hạn), trừ trường hợp thứ tư và thứ nám dưới đây;

Thứ hai, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi (tiền gửi USD tại ngân hàng là 0%/năm) thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời hạn hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 2589/QĐ-NHNN);

Thứ ba, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời hạn hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý;

Thứ tư, đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời hạn hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý;

Thứ năm, đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trên cơ sở những quy định trên, từ năm 2019 pháp luật ngân hàng quy định: việc rút (chi trả) trước hạn tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền khi gửi tiền. Lãi suất áp dụng đốivới tiền gửi rút trước hạn phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ((Điều 17 về “Rút trưốc hạn tiền gửi tiết kiệm”, Thông tư số 48/2018/TT- NHNN và Điều 10 về “Chi trả trưốc hạn tiền gửi có kỳ hạn”, Thông tư số 49/2018/TT-NHNN).

Tổ chức tín dụng quy định cụ thể về từng hình thức tiền gửi tiết kiệm, bảo đảm an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng, trong đó phải có tối thiểu các nội dung về phương thức trả lãi, phương pháp tính lãi, kéo dài thời hạn gửi tiền, rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm, các trường hợp người gửi tiền phải thông báo trước việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm (Khoản 2 Điều 6 về “Hình thức tiền gửi tiết kiệm”, Thông tư số 48/2018/TT-NHNN)

Ngược lại với quy định về việc rút tiền trước hạn, không có quy định về việc rút tiền gửi đã quá thời hạn. Tuy nhiên có thể hiểu là người gửi tiền được quyền rút bất kỳ lúc nào, trừ trường hợp đã có thỏa thuận về việc chuyển sang một kỳ hạn khác. Pháp luật không hạn chế thời hạn khách hàng và người thừa kế có quyền đòi lại số tiền đã gửi tại tổ chức tín dụng.

3. Quy định về rút tiền thừa kế

Khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm nói riêng hay gửi tài sản nói chung chết (kể cả trường hợp bị Tòa án tuyên bố là đã chết) thì phát sinh quan hệ thừa kế. Tiền gửi, tài sản gửi được phân chia theo quy định về thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Pháp luật ngân hàng quy định về việc chi trả tiền gửi cho người thừa kế như sau: Ngân hàng hướng dẫn thủ tục chi trả tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế phù hợp với quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho ngân hàng (Khoản 4 Điều 17 về “Thủ tục chi trả gốc, lãi tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng”, Thông tư số 48/2018/TT-NHNN).

Bộ luật Dân sự quy định có hai loại là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo di chúc là việc hưởng thừa kế của cá nhân theo quy định sau: cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người khác (Khoản 1 Điều 609 về “Quyền thừa kế Bộ luật dân sự năm 2015). Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điểu 624 về “Di chúc”, Bộ luật Dân sự năm 2015). Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định (Điều 649 về “Thừa kê theo pháp luật”, Bộ luật Dân sự năm 2015).

Điều khó là ngân hàng hoàn toàn không có quyền cũng như không có trách nhiệm xác định việc thừa kế tiền gửi trong các trường hợp cụ thể là theo di chúc hay theo pháp luật. Và dù ngân hàng có xác định được là người thừa kế được hưởng thừa kế theo trường hợp nào, thì cũng không có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định được rằng ai mới đúng là người được rút tiền và được hưởng thừa kế. Kể cả trường hợp di chúc đã được công chứng, chứng thực, thì ngân hàng cũng không thể tự mình khẳng định rằng nội dung và hình thức của di chúc có hợp pháp hay không. Thậm chí nếu bản di chúc đó là hoàn toàn hợp pháp, thì cũng không xác định được có giá trị pháp lý để phân chia di sản thừa kế hay không, vì có thể không phải là bản di chúc cuối cùng. Đặc biệt là khó khăn hơn đối với trường hợp việc thừa kế tiền gửi có yếu tố nước ngoài.

Trên thực tế các ngân hàng thường thực hiện chi trả tiền gửi cho thân nhân khách hàng theo một trong những cách thức sau đây:

Thứ nhất, chi trả tiền gửi cho ngưòi thừa kế dựa trên cơ sở một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án. Cách này là an toàn nhất đối với ngân hàng. Tuy nhiên khi đó thân nhân của người để lại tài sản thừa kế buộc phải khởi kiện ra toà và phải mất nhiều thời gian;

Thứ hai, chi trả tiền gửi cho một người được chỉ định rút tiền hoặc toàn bộ những người được quyền hưởng di sản theo thỏa thuận tại văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản phải được tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận (Khoản 1 Điều 57 về “Công chứng văn bản thởa thuận phân chia di sản”, Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Hoặc được Phòng tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực (Điểm d khoản 1, điểm h khoản 2 Điều 5 về “Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực”, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP);

Thứ ba, chi trả tiền gửi cho người duy nhất được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản tại Văn bản khai nhận di sản. Văn bản này cũng phải được tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận (Khoản 1 Điều 58 về “Công chứng văn bản khai nhận di sản”, Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Hoặc Phòng tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực (Điểm d khoản 1, điểm h khoản 2 Điều 5 về “Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực”, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP).

Thứ tư, chi trả tiền gửi cho người đã được người gửi tiền chỉ định từ trước (thường là khi giao dịch gửi tiền);

Thứ năm, chi trả tiền gửi cho “người quản lý di sản” theo quy định của pháp luật;

Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra;

Thứ sáu, chi trả linh hoạt trong một số trường hợp theo quy định và quyết định của ngân hàng, trên cơ sở cam kết của những người thừa kế.

Các trường hợp từ thứ tư trở đi dễ bị rắc rối hơn về mặt pháp lý khi có sự khiếu nại, kiện cáo của những người liên quan.

Trên thực tế, việc trả lại tài sản khác gửi tại ngân hàng như tài sản ký quỹ, cầm cố, thế chấp trong trường hợp khách hàng gửi tiền bị ốm đau nặng không thực hiện được giao dịch, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị mất tích cũng thường được thực hiện tương tự như trên.

Trên đây là phân tích về "pháp luật rút tiền gửi trước hạn và rút tiền gửi trong trường hợp thừa kế"

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ qua hotline 0913 947 089 hoặc gửi qua Email: daoquochung1978@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.